Người tiến cử Lưu Bị là Công Tôn Toản. Kẻ giết Công Tôn Toản là Viên Thiệu. Kẻ hàng Viên Thiệu là Viên Thuật. Người diệt Viên Thuật là Lưu Bị. Thế mà Lưu Bị lại viết thư nhờ Viên Thiệu giúp. Ai cũng đoán rằng Viên Thiệu sẽ từ chối, thế mà không. Viên Thiệu đem quân giúp Lưu Bị. Việc thật li kì, không thể ngờ được. Tháo với Bị đang hợp bỗng lìa. Thiệu với Bị đang lìa bỗng hợp.
Trần Đăng muốn cầu viện binh cho Huyền Đức, nếu chúng ta vội đoán thì thế nào cũng cho rằng Trần Đăng sẽ cầu cứu Mã Đằng, vì Mã Đằng cùng Huyền Đức có cái thần trong việc cùng kí tên trong bản nghĩa trạng. Nhưng rồi Trần Đăng không nghĩ đến Mã Đằng mà nghĩ đến Viên Thiệu là tại làm sao? Xin thưa: Mã Đằng đóng quân ở Tây Lương, đường sá xa xôi, còn Viên Thiệu ở Kí Châu rất gần. Bỏ chỗ xa lấy chỗ gần mới hợp với quân cơ vậy. Huyền Đức sở dĩ cầu được Viên Thiệu là nhờ có Trịnh Huyền giới thiệu. Huyền Đức bình sinh thờ Trịnh Huyền và Lư Thực như hai vị tiên sư. Lư Thực từ đầu truyện đã nói đến còn Trịnh Huyền đến đây mới xuất hiện. Và sau khi Quan Công chém tướng, Viên Thiệu hưng binh, lại xen vào cảnh phong lưu của nhà họ Mã với bầy nữ ca nhạc xinh đẹp của nhà họ Trịnh thật là một đoạn văn phong nhã, chẳng khác trời đang nắng gắt có đám mây phủ đến.
Tào Tháo có mười điểm tất thắng, Viên Thiệu có mười điểm tất bại. Cái luận thuyết này đưa ra từ hồi thứ mười tám, những tưởng sau đó hai bên sẽ đánh nhau ngay, thế rồi câu chuyện lại im đi, cho đến hồi này mới thấy việc động binh của hai nhà. Bên nào cũng hùng hổ kéo tới, rồi lặng lẽ rút lui về. Rõ là chuyện đầu voi đuôi chuột, thật buồn cười.
Trần Lâm làm tờ hịch kể tội Tháo, thế mà Tháo không giận lại khỏi bệnh là ý làm sao? Việc này cũng giống như, việc Hứa Thiệu nói Tháo là gian hùng mà Tháo không giận lại mừng thì Trần Lâm chửi Tháo không giận cũng là chuyện thường vậy. Trong khi không ai biết mình là gian hùng, mà có một ngườ biết thì người đó là tri kỉ. Trong khi chưa có ai biết chửi Tháo mà có Trần Lâm biết chửi Tháo thì Tháo đắc ý là phải. Sự thành bại ở đời không đáng kể. cái văn chương của người anh tài thật vạn cổ lưu danh. Chỉ tiếc rằng lúc Trần Lâm kể tội Tào Tháo, Đổng Phi hãy còn sống, Phục Hậu cũng chưa bị giết, bọn Đổng Thừa sáu người, bọn Cảnh Kỉ năm người và Khổng Dung chưa bị hại. Cho nên tờ lịch của Trần Lâm chỉ mới kể được một phần tội ác của Tào Tháo mà Thôi. Thế mà Tào Tháo đọc qua cũng phải toát mồ hôi như tắm, chứ nếu sau này Trần Lâm còn hùng hồn đến đâu, và Tháo còn phải toát bao nhiêu mồ hôi nữa?
Lúc Lưu Bị còn đứng sau lưng Công Tôn Toản trong hội "Chư hầu đồng minh", Lưu Đại đã ngồi cao chót vót, thế mà lúc này Lưu Đại trở thành nanh vuốt cho Tào Tháo, rồi lại bị Quan, Trương tóm đầu lôi về, ấn cổ thả ra, gọi giật lại quát mắng, rồi xua tay đuổi đi. Y hệt như một trò trẻ con. Ngày nay có những người ngất ngưởng ngồi trên cao, được thế bắt nạt kể dưới, họ có biết đâu, tạo vật đổi dời, rồi có thủa sa cơ như Lưu Đại?
Xem tập tiếp theo:
- Tập 16: Quan Vũ ước tam sự